Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Tùy duyên phải bất biến



Tùy duyên phải bất biến

           Tùy duyên còn là thái độ biết tận dụng những nhân duyên mới mẻ đang hội tụ trong hiện tại để giải quyết vấn đề, hay tạo nên những đột phá tốt đẹp hơn. Thái độ này chỉ có ở những kẻ bản lĩnh và vững chãi thực sự. Họ phải đảm bảo phẩm chất không những không bị thay đổi mà còn tuyệt vời hơn trước khi hành động.


          Nhà Thiền có một câu chuyện rất thú vị. Hai Sư huynh nọ trên đường du phương hóa độ, bổng thấy một cô gái đang loay hoay tìm cách qua dòng suối chảy xiết. Người Sư huynh liền tiến tới hỏi : “ này cô ! Cô có muốn tôi cõng cô qua bờ bên kia không ? “. Cô gái vô cùng mừng rỡ gật đầu đồng ý. Sau khi qua con suối rồi, hai huynh đệ từ giã cô gái và tiếp tục cuộc hàng trình. Đi được một đỗi đường, người sư đệ không kiềm chế được nữa bèn bức xúc lên tiếng : “ Sao Sư huynh lại làm như vậy ?”. Người Sư huynh ngạc nhiên hỏi “ làm chuyện gì ?”. “ Thì chuyện cõng cô gái hồi nãy đó, chúng ta là người xuất gia tu hành kia mà !” – Người sư đệ hơi cáu gắt. Người Sư huynh mỉm cười, vỗ vai người sư đệ : “ Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây!”.

         Người sư đệ không giúp cô gái qua sông thì không có gì sai. Vì trình độ tu tập của người sư đệ còn yếu kém, cần phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, để tâm hồn không bị khuấy động mà dễ dàng thiềm định. Nhưng cái sai của người sư đệ là nghĩ người sư huynh cũng cùng trình độ như mình, nên đã bất mãn với việc sư huynh giúp đỡ cô gái. Đành rằng sự thanh tịnh tâm hồn là yêu cầu bắt buộc đối với người đã xuất gia tu hành, nhưng đó không phải là mục đích sau cuối của sự tu hành. Tu hành đâu phải cốt để bảo vệ giới luật cho thật trong sáng, còn ai khổ mặc ai.. Giới luật mà chỉ bảo vệ cho mỗi sự thanh tịnh thôi thì giới luật ấy chỉ dành cho những kẻ sống vì bản thân hay còn quá yếu kém. Nó không có giá trị thích ứng cho những người đã có đủ bản lĩnh bất động trước những xáo động của hoàn cảnh. Cho nên ta không thể căn cứ trên vài hiện tượng bên ngoài để thẩm định mà không suy xét đến động cơ và kết quả . Vấn đề là sau hành động đột phá ấy thì họ đánh mất chính mình hay nâng cao phẩm chất hơn.

        Câu nói “ Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang đến đây ?” đã xác định phần nào trình độ bất nhiễm của vị sư huynh.

Trích trong (Hiểu về trái tim ) của Minh Niên.

1 nhận xét: